Khai thác tiềm năng các lễ hội Đầu xuân ở Huế trong phát triển du lịch

KHAI THÁC TIỀM NĂNG
CÁC LỄ HỘI ĐẦU XUÂN Ở HUẾ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bạch Thị Thu Hà Trường Du lịch, Đại học Huế.

1. Đặt vấn đề

Thừa Thiên Huế là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời
hơn 700 năm lịch sử và cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát
triển các loại hình du lịch văn hóa. Trong hệ thống các nguồn tài nguyên phục vụ
phát triển du lịch văn hóa thì lễ hội truyền thống hứa hẹn sẽ là điểm đến thu
hút nhiều du khách đến với Huế.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc khai thác các lễ hội ở Huế,
đặc biệt các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân để phát triển du lịch chưa thật
sự tương xứng với tiềm năng và sức hấp dẫn của các lễ hội do còn tồn tại nhiều
bất cập trong khâu tổ chức thực hiện cũng như công tác quảng bá.

Chính vì vậy, bài viết tập trung đánh giá thực trạng khai
thác và chất lượng một số lễ hội đầu Xuân ở Huế thông qua phương pháp điều tra
phỏng vấn khách tham quan và đại diện của một số công ty lữ hành, từ đó, đề xuất
một số giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch lễ hội ở Huế nói chung và lễ
hội đầu Xuân nói riêng.

2. Lý luận về du lịch lễ hội và mối quan hệ giữa lễ hội và
du lịch

2.1. Khái niệm du lịch lễ hội

Du lịch lễ hội thuộc loại hình du lịch văn hóa, do đó, ta có
thể hiểu du lịch lễ hội là hoạt động mà khách du lịch muốn thỏa mãn nhu cầu tìm
hiểu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, tín ngưỡng dân gian
thông qua việc tham dự, chứng kiến các hoạt động của lễ hội.

Sở dĩ chúng ta đặt ra vấn đề này là do mối quan hệ có tính tất
yếu khách quan của lễ hội và du lịch. Lễ hội là một hoạt động văn hóa có tính tất
yếu và thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của mỗi một quốc gia, dân tộc.
Đây là một sản phẩm của lịch sử, nó tồn tại và vận hành cùng lịch sử. Trong khi
đó du lịch ra đời muộn hơn nhưng lại phát triển với tốc độ nhanh chóng và là một
nhu cầu không thể thiếu của con người trong xã hội hiện đại. Tự thân hai hoạt động
này tạo ra nhau và tìm đến nhau như những thành tố của một xã hội phát triển,
là một xu hướng tất yếu khách quan của xã hội loài người trong không gian, môi
trường, điều kiện và hoàn cảnh mới. Việc tổ chức các chương trình du lịch đến
các địa phương trong thời gian diễn ra lễ hội của địa phương đó sẽ giúp du
khách cảm nhận được giá trị nhiều mặt của lễ hội thì được gọi là du lịch lễ hội.
Du lịch lễ hội có thể tạm chia thành hai loại: du lịch lễ hội truyền thống và
du lịch lễ hội hiện đại.

2.2.    Mối quan hệ giữa
lễ hội và du lịch

Lễ hội ra đời không vì mục đích du lịch nhưng lại mang tính
du lịch rõ nét. Điều đó được thể hiện thông qua những điểm sau: lễ hội thu hút
người dân từ nơi khác đến. Lễ hội có chương trình lễ hội và phản ánh tính mùa vụ
trong du lịch. Tính du lịch còn thể hiện ở hoạt động di chuyển, lưu trú tạm thời
của du khách, hoạt động đảm bảo nhu cầu về dự lễ hội của địa phương, mục đích
chuyến đi của khách dự hội là trảy hội kèm theo những mục đích khác như thưởng
ngoạn, khám phá, nghiên cứu. Do vậy, lễ hội và du lịch có sự tác động qua lại lẫn
nhau.

2.2.1. Tác động tích cực

– Tôn vinh các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống.

– Thúc đẩy và đa dạng các loại hình du lịch của địa phương.

– Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, khảo sát, thống kê, đầu tư
khôi phục các trò chơi dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống đã và đang có nguy
cơ mai một.

– Nâng cao nhận thức về việc bảo tồn các giá trị lễ hội và
phong tục, tập quán truyền thống.

– Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng góp vào ngân sách chung của đất nước.

2.2.2. Tác động tiêu cực

– Các lễ hội thường diễn ra trong thời gian ngắn, mang tính
thời vụ, người dân và du khách đến tham dự đông, do vậy, nếu công tác tổ chức
quản lý, khai thác không khoa học, chặt chẽ sẽ gây ra những tác động tiêu cực
như giá dịch vụ tăng cao, trộm cắp, cướp giật, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi
trường…

– Hiện tượng thương mại hóa lễ hội ngày càng phổ biến dẫn đến
lễ hội cổ truyền bị biến tướng, thay đổi về bản chất, mất đi giá trị nhân văn vốn
có.

– Một số lễ hội không có sự quản lý chặt chẽ làm nảy sinh hiện
tượng mê tín dị đoan, trộm cấp, xả rác bừa bãi… làm ảnh hưởng đến chất lượng
du lịch.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá chất lượng một số lễ hội đầu Xuân ở Huế, tác giả
sử dụng phương pháp điều tra, phỏng vấn, thu thập những ý kiến đánh giá của du
khách và đại diện các công ty lữ hành trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể
đó là công ty lữ hành Hương Giang và công ty Vietravel. Tuy nhiên, do giới hạn
về thời gian và nguồn lực nên không thể đánh giá toàn bộ các lễ hội đầu Xuân ở
Huế, tác giả chỉ có thể đánh giá chất lượng một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội
Vật làng Sình, lễ hội tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, lễ hội Cầu Ngư.

4. Đánh giá chất lượng một số lễ hội đầu Xuân ở Huế

4.1. Lễ hội dân gian Vật làng Sình

4.1.1. Giới thiệu về lễ hội dân gian Vật làng Sình

Làng Lại Ân còn có tên Nôm là làng Sình ở bờ Nam hạ lưu sông
Hương, nay là xã Phú Mậu, thành phố Huế. Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất thuộc
châu Lý của Chiêm Thành. Sau khi được sáp nhập vào Đại Việt, nhà Trần đã đổi
tên châu Lý thành Hóa Châu. Thời Lê, đặt thành huyện Tư Vinh thuộc phủ Triệu
Phong. Đầu thời Nguyễn đổi tên là huyện Phú Vinh, nhưng thường đọc trại thành
Phú Vang như tên gọi ngày nay.

Hội Vật làng Sình được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch.
Hội Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ, cấm chơi xấu, ra đòn độc, đòn hiểm,
nguy đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt,
đòn đá, đòn đánh, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt. Bên cạnh đó, tinh
thần đồng đội ở các địa phương rất quan trọng, một đô của làng nào bị thua tức
khắc có đô khác lên tiếp sức. Vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu
dưỡng đạo đức để chờ đầu Xuân tham dự, tranh tài.

Lễ hội Vật Làng Sình ngoài yếu tố mong cho dân khỏe, làng
yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui,
khỏe đầy tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm,
sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ. Lễ hội càng có ý nghĩa hơn khi đình làng
Sình đón nhận bằng di tích lịch sử do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trao
tặng.

4.1.2. Đánh giá của du
khách về lễ hội dân gian vật làng Sình

Một thực tế cho thấy đa số khách tham dự đến lễ hội dân gian
vật làng Sình là người dân địa phương, trong khảo sát của tác giả cho thấy:
Trong tổng số 150 khách tham dự có đến 74,7% khách đến từ nhiều huyện, xã khác
nhau trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ có số lượng rất ít khách đến từ các
tỉnh thành khác trong cả nước (12,7%), khách quốc tế (6,6%) và Việt kiều (6%).
Tất cả khách tham dự đều đi theo hình thức là tự tổ chức, trong đó đi theo từng
nhóm nhỏ (chiếm 61,4%) và đi cá nhân chiếm 37,3%. Do đó, không có du khách nào
biết đến lễ hội qua các công ty lữ hành, mà chủ yếu là qua bạn bè, người thân
(90%) và từ Internet (28,7%).

Về mục đích tham dự lễ hội, hầu hết du khách đến đây là muốn
được xem các cuộc đấu của các đô vật diễn ra trong lễ hội (80,7%). Mặt khác người
dân địa phương còn đến với lễ hội vật Làng Sình với mục đích cầu mong mùa màng
tươi tốt (62,7%), mang lại bình yên và sức khỏe cho gia đình (53,3%) cũng như
muốn khám phá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương (chiếm
46%).

Toàn cảnh lễ hội dân gian Vật làng Sình. Nguồn: ttps://thuathienhue.gov.vn.

 

Qua quá trình điều tra thực địa và phỏng vấn du khách tham dự,
tác giả xin đưa ra một số kết luận về việc đánh giá chất lượng lễ hội vật làng
Sình như sau:

– Du khách đánh giá cao chương trình lễ hội. Tính hấp dẫn của
chương trình lễ hội được thể hiện qua việc tổ chức lễ hội theo đúng nguyên bản,
thời gian và lịch trình tổ chức theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, chương trình lễ
hội còn hấp dẫn và sôi nổi hơn khi bất cứ ai đến tham dự lễ hội đều được tham
gia tranh tài với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tính hấp dẫn của lễ hội còn thể hiện rõ trong thời gian diễn
ra lễ hội, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên, kênh truyền hình và các nhiếp ảnh
gia về đây để ghi lại các hình ảnh và thông tin về lễ hội. Mặc dù số lượng
khách quốc tế biết đến lễ hội và tham dự lễ hội không nhiều. Tuy nhiên, trong
quá trình thu thập ý kiến của những vị khách này, họ tỏ ra rất thích thú, tò mò
và rất muốn tham gia khi xem các màn đấu võ.

– Lễ hội được tỉnh giao cho xã Phú Mậu tổ chức. Nguồn nhân lực
phục vụ trong lễ hội còn khá hạn chế về số lượng và trình độ ngoại ngữ. Tuy
nhiên, họ có thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, có tính trách nhiệm cũng
như có khả năng giới thiệu những giá trị văn hóa và thông tin trong lễ hội.

– Về môi trường diễn ra lễ hội: lễ hội được diễn ra trên một
khuôn viên khá rộng, cảnh quan thoáng mát với những cánh đồng ruộng bao quanh.
Tình trạng xã rác vẫn còn diễn ra, đặc biệt, do số lượng khách đến tham dự quá
đông, tình trạng chen lấn tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng hoạt động.

– Yếu tố “dịch vụ” được du khách đánh giá khá cao bởi vì có
rất nhiều hoạt động phục vụ du khách như khu trưng bày các sản phẩm làng nghề
truyền thống, khu vui chơi cho thiếu nhi, khu ẩm thực, khu trình diễn và bán
các mặt hàng lưu niệm với giá phải chăng… Tuy nhiên, do các dịch vụ được cung
cấp theo hình thức tự phát, không chịu sự quản lý và hỗ trợ từ phía ban tổ chức
lễ hội nên dẫn đến một số hạn chế như cách bố trí, phân chia các khu vực không
hợp lý, không chú trọng trong cách bài trí, chỉ mang hình thức tạm bợ, khu vực ẩm
thực nằm ngay bên đường khiến du khách cảm giác món ăn không sạch sẽ, hầu như
trong khuôn viên lễ hội không có bất cứ trò chơi dân gian nào được diễn ra.

– Cơ sở vật chất và tiện nghi là yếu tố được du khách đánh
giá chưa tốt bởi vì một số lý do như sau:

1) Không có chỗ ngồi cho khách tham dự mặc dù họ phải mua vé
với giá 20.000 đồng nhưng chỉ được đứng trong khu vực cao hơn so với những người
không mua vé. Xung quanh là hàng rào bao phủ, nhưng hầu như không thể xem được
các màn thi đấu do sự đông đúc và chen lấn của người xem;

2) Hầu như không có các khu vực phục vụ nhu cầu cho người
xem cũng như các đô vật như: khu thay đồ, khu y tế, khu nhà vệ sinh. Ngoài ra,
các công trình phụ trợ khác phục vụ lễ hội cũng không được quan tâm như khu vực
để xe không có người quản lý, đường xá không có bảng chỉ dẫn cũng như bảng
thông tin giới thiệu về lễ hội.

4.2. Lễ hội tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân

4.2.1. Giới thiệu về lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào
ngày Mồng 9 tháng Giêng Âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An
Tây, thành phố Huế. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của
dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở
mang bờ cõi.

Nhiều hoạt động được diễn ra trong lễ hội như đại lễ cầu
nguyện quốc thái dân an, múa hội hoa đăng, dâng hương tại điện Huyền Trân công
chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông. Sau phần nghi lễ, người dân Huế và du khách
dâng hương tưởng niệm, tri ân đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền
Trân.

Tại lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và
trò trơi dân gian như trưng bày các sản phẩm truyền thống, viết thư pháp, văn
hóa ẩm thực chay, múa lân sư rồng, hát bài chòi, biểu diễn võ thuật, thi đấu đẩy
gậy, cờ tướng đã mang đến không khí vui tươi, phấn khởi và giàu ý nghĩa nhân
văn trong dịp đầu Xuân.

Hình 3: Lễ hội đền Huyền Trân. Nguồn:
https://thuathienhue.gov.vn.

4.2.2. Đánh giá của khách tham dự về lễ hội đền Huyền Trân

Trong nghiên cứu “Đánh giá của du khách đối với hoạt động du
lịch lễ hội tại trung tâm văn hóa Huyền Trân, thành phố Huế” của nhóm tác giả
Trương Thị Thu Hà, Bạch Thị Thu Hà, Lê Thị Hà Quyên cho thấy trong 92 mẫu quan
sát thì phần lớn du khách đến từ các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng
Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình) chiếm 48,9%; 68,5% người dân và khách du lịch
biết đến và tìm hiểu về trung tâm văn hóa Huyền Trân thông qua bạn bè, người
thân giới thiệu; 59,8% qua hình thức truyền thông internet.

Văn phòng du lịch là kênh thông tin được lựa chọn ít nhất.
Điều này cho thấy du khách đến với lễ hội đền Huyền Trân chủ yếu theo hình thức
cá nhân, không thông qua các công ty lữ hành.

Về mục đích tham gia lễ hội, có đến 73% du khách lựa chọn cầu
xin may mắn trong những ngày đầu năm mới; tiếp theo là đến để tạ lễ vua Trần
Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân chiếm 66%. Mục đích đến hoàn toàn để vui
chơi, trải nghiệm chiếm tỷ lệ thấp nhất là 2,2%.

Kết quả của nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đánh giá của
khách tham dự về chất lượng lễ hội đền Huyền Trân như sau:

– Người dân và du khách chưa được giới thiệu sâu về ý nghĩa
của lễ hội. Theo phỏng vấn nhân viên hướng dẫn tại đây được biết rằng đa số du
khách đến tham dự lễ hội đều tập trung vào phần đại lễ và thưởng thức tiếc mục
của lễ hội chứ chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu ý nghĩa của lễ hội và địa
điểm tham quan.

– Du khách đánh giá hoạt động đại lễ cầu nguyện diễn ra
trang trọng, công tác tổ chức, quản lý và âm thanh được đầu tư thực hiện tốt.
Tuy nhiên, có đến 63,3% người dân và khách du lịch cho rằng chương trình biểu
diễn nghệ thuật chưa đặc sắc.

– Nhiều du khách và người dân không hài lòng với các hoạt động
ngoài chương trình chính của lễ hội (chiếm 67,1%), các chương trình, hoạt động
ngoài chương trình đại lễ chính đều không tạo sự hứng thú cho du khách.

– Các sản phẩm hàng lưu niệm được bày bán ở đây còn khá
nghèo nàn, rất nhiều sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc được bán tràn lan, cửa hàng
trưng bày không được sắp xếp gọn gàng.

4.3. Lễ hội Cầu Ngư

4.3.1. Giới thiệu về lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Giêng
hàng năm ở làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa
Thiên Huế để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng là Trương Quý Công (Trương Thiều),
người sáng lập ra làng và dạy cho dân làng nghề đánh cá và buôn bán ở vùng biển,
nên dân làng ở đây làm ăn ngày một khấm khá hơn.

Ngày xưa, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức đều đặn hàng năm,
nhưng sau đó vì điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép nên dân làng tổ
chức theo định kỳ “Tam niên đáo lệ” vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu… Buổi lễ
được kết thúc bằng cuộc đua trải trên phá trước đình, các trải đua do người từng
xóm đảm nhận, cuộc đua trải diễn ra rất hào hứng, sôi nổi và kéo dài đến chiều,
mang ý nghĩa cầu cho sự no ấm, mùa cá bội thu, vừa được mùa lúa, thỏa mãn ước vọng
no ấm của cư dân.

 Lễ hội Cầu Ngư Huế. Ảnh MIA

Lễ hội Cầu Ngư là một nhu cầu tinh thần mang màu sắc tâm
linh của người dân địa phương, đồng thời còn biểu hiện sự đoàn kết gắn bó chặt
chẽ giữa mọi thành viên trong làng xã với nhau, góp phần làm phong phú thêm kho
tàng văn hóa dân gian của vùng Huế nói riêng và cả nước nói chung.

4.3.2. Đánh giá của khách tham dự về lễ hội Cầu Ngư

Trong nghiên cứu “Chất lượng lễ hội Cầu Ngư ở Thuận An, Phú
Vang, Thừa Thiên Huế” của tác giả Lê Thị Kim Liên đã điều tra khảo sát 150 du
khách tham dự lễ hội này cho thấy một số đặc điểm về khách tham dự như sau:
Khách đến với lễ hội Cầu Ngư chủ yếu ở tỉnh Thừa Thiên Huế, chiếm tỷ lệ cao nhất
với 38,1%, tiếp đến du khách ở miền Trung (ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế) là 21,8%,
miền Nam 16,3%, miền Bắc là 8,8%, du khách nước ngoài (Mỹ, Úc, Pháp, Đức) 15% –
đây là một điểm đáng ghi nhận về sự lan tỏa của lễ hội đối với lượt khách quốc
tế.

Đánh giá của du khách về chất lượng lễ hội Cầu Ngư đã chỉ ra
một số kết quả như sau:

– Các hoạt động được tổ chức trong lễ hội nhìn chung khá hấp
dẫn du khách. Hoạt động được du khách đánh giá hấp dẫn nhất là đua thuyền truyền
thống với 4,52 điểm (theo thang đo Likert từ 1 đến 5); sau đó là hoạt động đưa
thuyền ra khơi với mức điểm đánh giá là 4,49; hoạt động biễu diễn ca Huế chưa
được đánh giá cao (3,78 điểm); và hoạt động múa lân khai hội chỉ dừng lại ở mức
3,89 điểm.

– Du khách mong muốn chính quyền địa phương cần tiếp tục thực
hiện tốt công tác bảo tồn các nghi lễ truyền thống của lễ hội để làm sống lại lịch
sử qua các chương trình nghệ thuật, đưa du khách trở về với cội nguồn, trở về với
hình ảnh của nghề biển muôn vàn khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội vẫn còn gặp một số hạn
chế như sau:

– Các trò chơi dân gian truyền thống, quầy bán hàng lưu niệm
hay ăn uống, giải khát còn hạn chế.

– Cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ cho các hoạt động của lễ
hội nhìn chung chưa được du khách đánh giá cao. Cụ thể các trang thiết bị, vật
dụng phục vụ công tác biểu diễn nghề chài lưới trên biển, dụng cụ cho nghề biển
trên cạn chưa thực sự gây ấn tượng cho du khách. Các biển chỉ dẫn tại địa điểm
chính và dọc đường chưa được tốt, nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa đủ và đảm bảo
vệ sinh.

– Một điểm đáng lưu ý trong công tác tổ chức đó là vấn đề an
ninh trật tự bởi nhiều du khách vẫn chưa thấy thực sự an toàn khi đến với lễ hội.

– Ban tổ chức lễ hội vẫn chưa bố trí chu đáo các hướng dẫn
viên để đón tiếp khách đến tham dự lễ hội.

5. Đánh giá thực trạng các chương trình du lịch lễ hội đầu
Xuân ở Huế

Qua phỏng vấn hai đại diện lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế, tác giả đưa ra một số thực trạng về việc khai thác các tour du lịch
lễ hội đầu Xuân ở Huế như sau: Hiện nay, trong dịp tết Nguyên Đán các công ty lữ
hành ở Huế khai thác các chương trình du lịch cho khách Inbound, Outbound và
khách du lịch nội địa.

Riêng công ty lữ hành Hương Giang, nhóm khách du lịch nội địa
đi du lịch Tết chiếm 15% doanh số trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 3 năm
sau. Tuy nhiên, trong chương trình của các công ty lữ hành xây dựng cho các
đoàn khách khi đến Huế trong dịp Tết thì vẫn chưa đưa các lễ hội đầu Xuân vào để
khai thác.

Theo đánh giá của các công ty lữ hành, khách du lịch khi đến
Huế trong dịp Xuân thông qua các công ty lữ hành khả năng sẽ khó tham gia các lễ
hội đầu Xuân được tổ chức tại Huế do kín lịch tham quan, hoặc nếu họ có thời
gian rảnh trong lịch trình của mình hay khách lẻ đến Huế cũng khó tiếp cận được
nhiều thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức hay tính hấp dẫn của các lễ hội
do hiện nay công tác quảng bá, xúc tiến các hình ảnh về lễ hội trước thời điểm
diễn ra lễ hội chưa được đẩy mạnh, trong khi đó các thông tin về lễ hội chủ yếu
lại được đăng tải trên các kênh báo đài, truyền hình sau khi lễ hội đã diễn ra.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao các đơn vị lữ hành chưa đưa
các hoạt động lễ hội đầu Xuân ở Huế vào trong chương trình tham quan, trải nghiệm
của du khách mặc dù đây là một tiềm năng, thế mạnh của Huế, tác giả đã nhận được
một số ý kiến như sau:

– Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Du lịch tỉnh, Trung
tâm Xúc tiến Du lịch và các công ty lữ hành để quảng bá và khai thác các chương
trình du lịch lễ hội đầu Xuân ở Huế.

– Các công ty lữ hành trên địa bàn cũng chưa có cùng mục
đích để xây dựng hình ảnh du lịch lễ hội đầu Xuân ở Huế trước khi bắt đầu khai
thác và phát triển các chương trình du lịch này.

– Thời gian ban tổ chức lên kế hoạch cho các lễ hội chưa đảm
bảo để các công ty lữ hành lên chương trình và liên kết các dịch vụ kèm theo.

– Giữa ban tổ chức các lễ hội và các đơn vị lữ hành vẫn chưa
có kết nối để hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.

– Một số vấn đề như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, an
ninh, an toàn tại những nơi diễn ra lễ hội chưa thật sự đảm bảo để các công ty
lữ hành sẵn sàng đưa các đoàn khách về để tham quan và trải nghiệm.

6. Giải pháp nhằm khai thác tiềm năng các lễ hội đầu Xuân ở
Huế

Qua kết quả điều tra phỏng vấn du khách cũng như đại diện của
một số đơn vị lữ hành, có thể nhận thấy nguyên nhân chính vì sao hiện nay các
công ty lữ hành chưa khai thác các chương trình du lịch lễ hội đầu Xuân ở Huế
là do những hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội, từ việc đầu tư cơ sở vật chất,
cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, vấn đề an ninh an toàn cho du khách chưa được đảm bảo,
các dịch vụ còn khá đơn điệu, và đặc biệt là chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong
công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển các tour du lịch lễ hội giữa Sở Du lịch
tỉnh Thừa Thiên Huế, với các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng như chính
quyền địa phương nơi diễn ra các lễ hội. Chính vì vậy, dựa vào kết quả nghiên cứu,
kết hợp với tham khảo ý kiến của các công ty lữ hành, tác giả xin được đề xuất
một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác khai thác
các lễ hội đầu Xuân ở Huế.

6.1. Nhóm giải pháp về chương trình lễ hội

Chương trình các lễ hội dân gian và lễ hội truyền thống ở Huế
luôn là yếu tố được du khách đánh giá hài lòng cao nhất. Bởi các lễ hội ở Huế đến
nay vẫn giữ được tính nguyên bản, các nghi thức vẫn diễn ra đầy đủ và không bị
biến tướng.

Việc khai thác các lễ hội trong phát triển du lịch có thể
gây ra những tác động tiêu cực như thương mại hóa hoạt động lễ hội khiến cộng đồng
địa phương và du khách dần quên đi giá trị văn hóa truyền thống cũng như làm biến
tướng các hoạt động của lễ hội bởi mục đích khác, gây ảnh hưởng đến tính nguyên
bản của lễ hội.

Chính vì vậy, để vừa phát triển du lịch lễ hội đầu Xuân ở Huế
vừa đảm bảo việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương cần tham
khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu về văn hóa Huế, các vị cao niên có uy tín
trong làng trong quá trình tổ chức lễ hội để đảm bảo các nghi thức trong lễ hội
được diễn ra đầy đủ và đảm bảo tính nguyên bản; tuyên truyền và giáo dục ý thức
cho cộng đồng địa phương và du khách hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, các giá trị văn
hóa truyền thống của các lễ hội cũng như các quy định trước và trong quá trình
diễn ra lễ hội.

6.2. Nhóm giải pháp về môi trường lễ hội

– Mặc dù hiện nay một số lễ hội được tổ chức trên một khuôn
viên khá rộng. Tuy nhiên do sức hấp dẫn của lễ hội khiến số lượng khách vượt
quá sức chứa cho phép đã dẫn đến tình trạng chen lấn, vì thế, cần nới rộng
không gian địa điểm tổ chức lễ hội nhằm đem lại không gian rộng, thoáng mát và
trong lành cho du khách.

– Phối hợp với các đoàn thể của xã hình thành các tổ vệ sinh
nhằm giữ gìn vệ sinh chung, tạo cảnh quan lễ hội sạch đẹp. Giáo dục ý thức giữ
gìn, bảo vệ môi trường cho du khách cũng như những người tham gia cung cấp các
dịch vụ trong quá trình diễn ra lễ hội.

– Ban tổ chức lễ hội cần phối hợp với lực lượng công an giao
thông, công an thị xã và lực lượng dân quân tự vệ của xã/huyện trong suốt quá
trình diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo các vấn đề an ninh, an toàn cho du khách.

– Đối với việc phục vụ các đoàn khách từ các công ty lữ
hành, nên bố trí các lối đi riêng hoặc khu vực chỗ ngồi riêng cho du khách bởi
các lễ hội thường tập trung rất đông đúc khách tham dự nên rất dễ xảy ra tình
trạng chen lấn, ảnh hưởng đến an toàn của du khách trong đoàn.

6.3. Nhóm giải pháp về dịch vụ

Ban tổ chức các lễ hội cần hình thành bộ phận phụ trách việc
quản lý khu vực cung cấp các dịch vụ và hoạt động diễn ra trong lễ hội nhằm giải
quyết các vấn đề như:

– Ngoài gian hàng các sản phẩm làng nghề truyền thống, nên
khuyến khích người dân bán các sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của hội Vật
Làng Sình như móc khóa có in các hình ảnh và biểu tượng về lễ hội, bán các sách
giới thiệu về lễ hội, lịch sử và nguồn gốc hình thành, những nội dung thú vị
mang dấu ấn riêng của lễ hội.

– Ban tổ chức lễ hội cần tạo ra nhiều hoạt động và các trò
chơi dân gian diễn ra trong lễ hội như nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt đập om, bài
chòi, nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

– Kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tại các gian hàng ẩm thực,
giải khát phục vụ du khách. Gian hàng ẩm thực nên phục vụ các món ăn đặc trưng
của vùng miền, dân dã nhưng an toàn với giá cả hợp lý.

– Tập huấn cho những người cung cấp dịch vụ các kiến thức cơ
bản để phục vụ khách du lịch.

– Khuyến khích những người phục vụ mặc các trang phục truyền
thống nhằm tạo nên sự thống nhất với không gian làng quê cũng như tạo nên tính
thu hút, hấp dẫn cho khách du lịch.

6.4. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất hạ tầng và tiện nghi

– Muốn tạo điều kiện tốt nhất cho du khách thập phương khi đến
tham gia lễ hội, trước hết ban tổ chức các lễ hội cần phải quan tâm đến các vấn
đề về cơ sơ vật chất, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị, tiện nghi tại lễ hội
nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho du khách. Bởi đây là một trong những nguyên
nhân chính dẫn đến việc các công ty lữ hành không khai thác các chương trình du
lịch lễ hội dân gian truyền thống ở Huế. Để khắc phục vấn đề này, tôi xin đề xuất
một số giải pháp như sau:

– Huy động nguồn kinh phí của tỉnh và địa phương để đầu tư
nâng cấp, nới rộng khuôn viên diễn ra lễ hội, đầu tư khu vực chỗ ngồi cho du
khách với sức chứa lớn hơn, đầu tư nâng cấp các tuyến đường, và các công trình
phụ trợ khác như: khu y tế, nhà vệ sinh công cộng, khu vực bố trí các dịch vụ
và hoạt động trải nghiệm cho du khách, khu bãi đỗ xe.

– Cần thiết kế thêm các bảng chỉ dẫn cho lễ hội, bảng thông
tin lễ hội và đặt ở những vị trí dễ quan sát cho du khách.

– Sắp xếp bố trí hợp lý các khu vực cung cấp dịch vụ và các
hoạt động của lễ hội cũng như quan tâm đến công việc trang trí cho không gian
các khu vực này. Đối với các lễ hội dân gian truyền thống, ban tổ chức lễ hội
có thể phối hợp với các cơ quan đoàn thể để triển khai việc trang trí tại lễ hội,
nên sử dụng các vật dụng và nguyên vật liệu như nón lá, đèn lồng, hoa sen, cây
tre để tạo nên nét mộc mạc, đơn sơ và gần gũi với không gian làng quê Việt Nam.

6.5. Nhóm giải pháp về ban tổ chức và nhân viên lễ hội

– Thành viên ban tổ chức và điều hành lễ hội nên có sự tham
gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, các vị cao niên trong làng nhằm theo sát
các hoạt động của lễ hội đảm bảo lễ hội được diễn ra đầy đủ nghi thức và đảm bảo
tính nguyên bản của lễ hội.

– Phối hợp với đoàn thể xã, sinh viên tình nguyện đang học tập
trên địa bàn, đặc biệt tại các trường cao đẳng nghề du lịch, trường Du lịch Đại
học Huế hình thành các đội tình nguyện viên cho lễ hội nhằm mục đích hỗ trợ,
đón tiếp các đoàn khách đến tham dự lễ hội.

– Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng du lịch và trình
độ ngoại ngữ cũng như các kiến thức liên quan đến lễ hội nhằm phục vụ trong quá
trình diễn ra lễ hội.

– Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Du lịch tỉnh cũng như các công ty
lữ hành cần phối hợp chặt chẽ trong việc quảng bá và phát triển du lịch lễ hội.
Cần lên kế hoạch trước về thời gian, địa điểm tổ chức và các hoạt động diễn ra
trong lễ hội để các công ty lữ hành chủ động trong việc xây dựng chương trình của
họ.

– Sau lễ hội, cần tổng kết rút kinh nghiệm nhằm rút ra những
mặt làm được và hạn chế trong quá trình tổ chức, để thay đổi tích cực trong lần
tổ chức sau.

6.6. Nhóm giải pháp nhằm quảng bá và phát triển

– Sở Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành
nhằm tăng cường công tác quảng bá hình ảnh và các thông tin hấp dẫn về các lễ hội
đầu Xuân ở Huế đến các thị trường khách trọng điểm.

– Trước khi lễ hội diễn ra, nên cập nhật thông tin trên các
đài truyền hình địa phương, các website, trang mạng xã hội cũng như cung cấp
các tờ rơi, tập gấp giới thiệu thông tin về lễ hội tại các công ty lữ hành,
khách sạn, nhà hàng để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của khách du lịch đặc
biệt là du khách quốc tế.

– Các công ty lữ hành nên phối hợp với các ban ngành có liên
quan của tỉnh để đưa các lễ hội vào khai thác phục vụ hoạt động du lịch trên địa
bàn. Tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng địa
phương; giới thiệu ý nghĩa và các hoạt động đặc sắc trong lễ hội để du khách có
thể hiểu hơn về cách thức tổ chức, giá trị văn hóa và tinh thần của lễ hội.

– Sau đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng online phát triển
mạnh mẽ, vì vậy Sở Du lịch tỉnh cũng như các công ty lữ hành cần áp dụng chuyển
đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh hình thức sale online,
marketing online để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

– Kết hợp phát triển du lịch lễ hội với các loại hình du lịch
khác, với mục tiêu tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tại địa phương để phục vụ
du khách, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo dấu ấn để thu hút du khách quay lại du lịch
tại Huế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Anh

1. Anil Nihat Kamil. 2012. “Festival Visitors’ Satisfaction
and Loyalty: An Example of Small, Local, and Municipality Organized Festival.”
Tourism 60 (3): 255-71.

2. Chen Wen-Chiang, Lee Cheng-Fei, Lin Ling-Zhong. 2012.
“Investigating Factors Affecting Festival Quality: A Case Study of Neimen Song
Jiang Jhen Battle Array, Taiwan.” African Journal of Marketing Management 4
(2): 43-54.

3. Cole Shu Tian, & H. Charles Chancellor. 2009.
“Examining the Festival Attributes That Impact Visitor Experience, Satisfaction
and Re-Visit Intention.” Journal of Vacation Marketing 15 (4): 323-33.

4. Crompton L. John, & Love L. Lisa. 1995. “The
Predictive Validity of Alternative Approaches to Evaluating Quality of a
Festival.” Journal of Travel Research 34 (1): 11-24.

5. Marković Suzana, Dorčić Jelena, and Krnetić Monika. 2015.
“Visitor Satisfaction and Loyalty Measurement of Local Food Festival –
Application of FESTPERF Scale.” Tourism in Southern and Eastern Europe 3
(2015): 183-96.

6. Tkaczynski Aaron, and Robin Stokes. 2010. “Festperf: A
Service Quality Measurement Scale for Festivals.” Event Management 14 (1):
69-82.

7. Yoon Yoo Shik, Jin Soo Lee, and Choong Ki Lee. 2010.
“Measuring Festival Quality and Value Affecting Visitors’ Satisfaction and
Loyalty Using a Structural Approach.” International Journal of Hospitality
Management 29 (2): 335-42.

Tiếng Việt

1. Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà. “Các yếu tố ảnh hưởng
đến chất lượng lễ hội dân gian vật làng Sình tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh
Thừa Thiên Huế”. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tập 6. Số 6 (2020), tr.
676-690.

2. Trương Thị Thu Hà, Bạch Thị Thu Hà, Lê Thị Hà Quyên.
“Đánh giá của du khách đối với hoạt động du lịch lễ hội tại Trung tâm văn hóa
Huyền Trân, thành phố Huế”. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. Tập 126. Số 5D
(2017), tr. 5-14.

3. Lê Thị Kim Liên. “Chất lượng lễ hội Cầu Ngư ở Thuận An,
Phú Vang, Thừa Thiên Huế”. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. Tập 126. Số 5D (2017),
tr. 231-244.

4. Lê Thị Kim Liên và cộng sự (2020). “Nghiên cứu phát triển
bền vững du lịch lễ hội ở Miền Trung – Việt Nam”. Đề tài khoa học và công nghệ
cấp Bộ.

Nguồn: ResearchGate

Bài viết được đề xuất