Ram Bánh Mướt Hà Tĩnh – ăn một lần là nhớ hoài không quên

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến vùng đất đầy nắng và gió Hà Tĩnh mà chưa từng ăn đặc sản Hà Tĩnh thì
quả là một điều tiếc nuối đấy nhé. Có những món ăn là đặc sản vì sự
sang trọng, giá trị cao. Nhưng có những món đặc sản giá trị nó mang đến
lại là tâm hồn của người dân địa phương. Ram Bánh Mướt
là một món như vậy. Mặc dù nó không cao sang, nhưng đi đâu người dân Hà
Tĩnh vẫn luôn tự hào giới thiệu và tấm tắc khen ngợi với mọi người. Vậy
món ăn này có gì đặc biệt mà thu hút du khách đến như vậy, hãy cùng
chúng tôi tìm hiểu nhé!

Nét độc đáo của món Ram Bánh Mướt

Theo tiếng của người Hà Tĩnh, “Ram” là
một từ dùng để chỉ món nem rán theo tiếng phổ thông, “Bánh Mướt’ là cách
gọi khác của từ “bánh cuốn”, “bánh ướt”, … Bánh Mướt là một món ăn ưa
dùng của người Hà Tĩnh. Đối với người miền
Bắc, người ta thường cuốn Bánh Mướt với nhân thịt, khi tráng sẽ cho
nhiều mỡ hơn. Tuy nhiên, đối với người Hà Tĩnh, nhân Bánh Mướt là chả
hoặc canh gà, đồng thời, khi rán sẽ không cho mỡ mà để nguyên. Do đó,
khi ăn Bánh Mướt Hà Tĩnh sẽ cảm nhận thấy vị mát lành và hết sức thanh đạm.

 Sự kết hợp giữa hai yếu tố này làm nên một món ăn hết sức đặc trưng vừa
giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy mà bất kỳ
ai khi đến với xứ Nghệ đều không thể bỏ qua.

 Ảnh @cooky.vn

Ảnh @chongchong_gio

Đặc biệt, Ram Bánh Mướt còn là một món ăn phù
hợp với bốn mùa của Việt Nam. Vào mùa đông, trong cái lạnh của gió và
cái buốt của mưa phùn miền trung, một chiếc Ram nóng, giòn cuộn trong
một lớp Bánh Mướt, chấm bát nước mắm ớt tỏi chanh đủ để tận hưởng sự
tuyệt vời trong đó.

 @soophuongthao

Vào mùa hè thì cái thú của người đi ăn Ram Bánh Mướt
lại có sự thay đổi một chút. Sự mát lành của Bánh Mướt cộng với một
chiếc Ram đã được cuốn sẵn hay một miếng giò lụa ăn với nước chấm được
pha nhạt và thanh hơn một chút, uống một cốc trà đá thì người ăn lại có
cảm giác như mình đủ sức lực để làm được mọi việc khó khăn nhất trong
ngày.

 Ảnh @tieuhotien

Cách làm món Ram Bánh Mướt

Cách làm Ram Hà Tĩnh

Nguyên liệu chính làm nên Ram không có
gì xa lạ. Chỉ là một ít miến dong, một chút thịt nạc băm nhuyễn, đập vào
đấy quả trứng gà ta, thêm ít hành củ đập dập và gia vị tiêu, xúp, ớt,…
Cũng không quên thêm vào một ít rau thơm. Tất cả được trộn lại, ướp một
chút cho đượm vị hơn đã có thể làm nên món nhân Ram Hà Tĩnh.

Điều tạo nên sự khác biệt của món Ram Bánh Mướt này đó là vỏ của nó phải làm từ “vỏ Ram Hà Tĩnh”.
Vỏ bánh Ram được người Hà Tĩnh làm rất kỳ công, Quá trình tráng bánh,
phơi bánh đều được làm thủ công. Bánh sau khi tráng được trải trên từng
tấm phên (hay gọi là giàng), làm bằng tre. Quá trình phơi bánh cũng
quyết định đến chất lượng, nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc, nếu trời
nắng to hoặc quá hanh bánh sẽ bị giòn, nứt vỏ.

 Để vỏ Ram Bánh Mướt có độ dẻo, vỏ bánh sẽ được
đem đi phơi sương. Đây là cách làm truyền thống, cũng là bí quyết làm
nghề giúp lá bánh dẻo, mềm, dễ cuốn, khi rán lên có màu vàng, không ngấm
mỡ, không bị vỡ, bánh giòn rụm, rất vừa miệng. Trong điều kiện thời
tiết không thuận lợi, mưa nhiều vào dịp giáp Tết, người dân nơi đây có
thể dùng quạt sấy. So với việc phơi, phương pháp sấy có phần lâu hơn,
mất từ 10 đến 12h nhưng chất lượng bánh vẫn đảm bảo.

Vì vỏ Ram Bánh Mướt
không có chất bảo quản nên theo cách của người dân nơi đây, để bảo quản
bánh được lâu, người dùng nên để trong ngăn đá tủ lạnh. Khi lấy ra
cuốn, chỉ cần để khoảng 10p, bánh sẽ mềm dẻo như mới. Bánh sau khi lấy
trong ngăn đá ra nên để nguyên trong túi, gói tới đâu lấy từng cái ra
tới đấy, không nên bỏ ra ngoài, bánh gặp không khí dễ bị khô cứng. 

Lấy vỏ Ram bọc phần nhân vừa làm vào bên trong rồi đem rán trong chảo dầu đã sôi cho đến khi thấy vỏ Ram chuyển sang màu vàng tức là đã ra thành phẩm.

Cách làm Bánh Mướt

Bánh Mướt của món Ram Bánh Mướt Hà Tĩnh
được làm từ bột gạo nếp nguyên chất do chính người dân trồng. Nếp được
xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc, mịn. Người
làm bánh khéo léo phải biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai,
vừa trắng lại vừa thơm. Bột nghiền xong cũng chưa thể tráng ngay thành
bánh được, phải để bột lắng trong nước khoảng 2 giờ trở lên, người ta
gọi đó là ủ bột. Ủ bột để khi tráng, bánh mới nở phồng, ăn mới dẻo dai.

 Người dân có công cụ để làm món Bánh Mướt được gọi là nồi tráng Bánh Mướt.
Hỗn hợp bột gạo nếp lỏng sau đó được tráng lên nồi, hấp với nhiệt độ
nóng cho kết dính lại thì tạo thành bánh mướt. Tiếp đến, người ta còn
quét lên một lớp hành phi dầu vàng rụm, thơm nức, vô cùng hấp dẫn. Vậy
là phần Bánh Mướt trong món Ram Bánh Mướt đã hoàn thành rồi.

Cách ăn Ram Bánh Mướt đúng kiểu Hà Tĩnh

Để ăn cùng món Ram Bánh Mướt
phải có nước mắm chanh tỏi ớt. Sự kết hợp giữa 2 loại bánh là bánh Ram
chiên giòn và Bánh Mướt dẻo dai làm cho món ăn trở nên đặc biệt hơn bao
giờ hết.

 Ảnh @ttnguyen____

 Ảnh @huyennnbesss

 Khi ăn ta cuốn Bánh Mướt cùng Ram, chấm vào nước chấm tỏi ớt. Lúc đó bắt
đầu cảm nhận được vị béo giòn của Ram, dẻo bùi của bánh và
vị chua thanh của nước mắm ớt nơi đầu lưỡi, hương vị không thể
chê vào đâu được. Thêm một chút rau sống ăn kèm với Ram Bánh Mướt thì thực khách khi đến du lịch Hà Tĩnh chỉ muốn ăn hoài ăn hoài mà thôi.

Ảnh @sir.jcns

 Ảnh @davidho3003

Không phải món ăn quá cao sang đắt đỏ, song Ram Bánh Mướt
vẫn luôn là một niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực của người dân Hà
Tĩnh. Vậy nên, nếu có dịp đến thăm Hà Tĩnh thì bạn nhất định phải ăn thử
món ăn độc đáo này đấy nhé. 

Thái Hà (Tổng hợp) – Luhanhvietnam.com.vn

Bài viết được đề xuất